Dự án nhà máy CFN Bình Dương cán mốc trên 1,2 triệu giờ làm việc an toàn

Cách đây gần hai năm, CFN Việt Nam khởi động dự án đầu tư xây dựng một nhà máy thức ăn gia súc hoàn toàn mới và hiện đại tại tỉnh Bình Dương, khu vực quy tụ rất nhiều trang trại nuôi heo và gia cầm quy mô lớn phục vụ thị trường miền Nam Việt Nam. Trước khi tổ chức động thổ cho công trình, đội ngũ dự án đã đặt ra mục tiêu quyết tâm hoàn thành dự án và đảm bảo An toàn Tuyệt đối. Giờ đây, khi nhà máy chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, đội ngũ dự án có thể tự hào công bố đã không để xảy ra bất cứ một tai nạn thuộc diện phải báo cáo.

 

Các kết quả về an toàn trong thời gian qua mà nhà máy Bình Dương đạt được thật sự rất ấn tượng: 1.206.000 giờ làm việc liên tục không ghi nhận xảy ra bất kỳ tai nạn mất ngày công nào, trên toàn phạm vi dự án (xây dựng, cơ điện). Sau 21 tháng xây dựng kể từ tháng 1/2017, từ 5ha đất trống đã dần hình thành một nhà máy thức ăn chăn nuôi hoàn toàn tích hợp đầu tiên của Cargill tại Đông Nam Á với tổng diện tích xây dựng lên tới 4ha. Tất cả các nhà thầu được chỉ định tham gia dự án ngay từ đầu đã được triệu tập để phổ biến và thống nhất cam kết tuân thủ an toàn cùng với Cargill: tuyệt đối không thỏa hiệp về mặt an toàn, cho dù đó là yêu cầu về tiến độ, chất lượng hay hiệu quả. Đây rõ ràng là thành tích của một đội ngũ dự án mở rộng, là những con người nỗ lực hết mình biến cam kết an toàn thành hành động và kết quả chứ không chỉ là khẩu hiệu.

Thách thức lớn nhất mà đội ngũ dự án gặp phải chính là điều kiện thời tiết mùa mưa bất thường nhất từ trước đến nay tại khu vực miền Nam Việt Nam. Có nhiều ngày mưa kéo dài liên tục, bắt đầu và kết thúc không theo hình thái dự báo nào, buộc nhà thầu phải tạm dừng các hoạt động xây dựng ngoài trời, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đồng thời ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho những giai đoạn sau của dự án. Bên cạnh đó, về mặt địa thế, đường vào khu công nghiệp nơi đặt nhà máy mới của chúng ta đi qua một khu vực dân cư rất đông đúc khiến cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị tới công trường hoàn toàn không đơn giản, nếu không muốn nói là một thách thức khác đối với đội ngũ của chúng ta.

Mặc dầu vậy, riêng về vấn đề an toàn, đội ngũ dự án Bình Dương không để bất kỳ một điều kiện khách quan nào gây ảnh hưởng tới cam kết đã đặt ra. Mặc dù với những dự án trước đây chúng ta đã nhiều kết quả tốt nhờ phát huy hiệu quả văn hóa an toàn của Cargill, đội ngũ lãnh đạo hiểu rằng cần phải đổi mới phương pháp tiếp cận để nâng cao hơn nữa mức độ an toàn. Theo đó, chúng ta đã triển khai công tác phân tích mối nguy trước khi tiến hành công việc (PJHA – Pre Job Hazard Analysis) và các chương trình LifeSaver, yêu cầu tại hiện trường có sự có mặt giám sát và hỗ trợ thường xuyên của các Chuyên gia An toàn Xây dựng Cargill (CSS – Construction Safety Specialist). Tất cả những nỗ lực này nhằm biến an toàn thành yếu tố bắt buộc của dự án, nhờ đó nâng tầm được về mức độ gắn kết cũng như nghiêm túc thực hiện an toàn của nhân viên cũng như nhà thầu trong dự án.

“Đầu tư vào an toàn chính là sự đầu tư cấp thiết nhất, bởi chúng ta đang xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mà ở đó không có chỗ cho sự khoan nhượng khi nói đến vấn đề an toàn,” ông Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Các Nhà máy và Dự án Toàn quốc của CFN Việt Nam, chia sẻ. “Đây không phải là điều nên làm hay có thể làm, đây là điều bắt buộc phải làm vì nó có ảnh hưởng tới sinh mạng con người. Văn hóa an toàn của Cargill rõ ràng đã được thấm nhuần bởi đội ngũ CAN Việt Nam và tôi rất vui mừng được chứng kiến sự gắn kết của đội ngũ EHS cũng như kết quả an toàn tuyệt vời mà chúng ta đã thực hiện được tại công trình nhà máy Bình Dương. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực tối đa để có thể đạt mục tiêu An toàn Tuyệt đối cho suốt cả quá trình nhà máy vận hành”.

Đội ngũ dự án (gồm ban quản lý dự án, CSS, đội ngũ quản lý dự án của nhà thầu và nhân viên EHS thuộc Cargill và nhà thầu) đã luôn theo dõi chặt chẽ mọi chi tiết và hạng mục theo từng giai đoạn của dự án (chuẩn bị mặt bằng, thi công nền móng, dựng dàn giáo, kết cấu thép, các hạng mục xây dựng dân dụng, lợp mái, lắp đặt các tháp nguyên liệu và thiết bị sản xuất, v.v.). Trong suốt quá trình thi công, đội ngũ đã chủ động quan sát và phát hiện nhiều rủi ro, đặc biệt trong những công việc thuộc diện cảnh báo trong chương trình LIFESavers và nỗ lực hết mức nhằm loại bỏ những mối nguy này. Họ đã quyết liệt không thỏa hiệp trong công tác an toàn nhằm đảm bảo bảo vệ tuyệt đối cho những nhân viên đang thực hiện những công việc cần thiết nhưng có nguy cơ rủi ro cao, đồng thời mỗi người đều cam kết cao độ trong việc tiếp tục hoàn thành các hạng mục còn lại một cách an toàn và hiệu quả.

“Khi các nhân viên của chúng ta và nhà thầu có được nhận thức rõ ràng rằng các mục tiêu an toàn không chỉ là ý định tốt mà còn chính là yêu cầu bảo vệ sự an toàn của chính họ, chúng ta nhận được được sự gắn kết và cam kết thực sự,” Đoàn Đức Hùng, cựu Quản lý công trình dự án Bình Dương, người mới về hưu vào ngày 31/10, cho biết. “Giờ đây, tôi cho rằng đội ngũ của chúng ta đã thật sự tin tưởng một điều rằng không có việc gì quan trọng đến mức không thể được thực hiện một cách an toàn. Thật hạnh phúc khi biết rằng tất cả chúng ta đều đã và đang làm việc một cách đúng đắn và an toàn, để sau mỗi ngày làm việc mỗi người đều có thể trở về nhà một cách an toàn với những người thân yêu”.

Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương là nhà máy thứ 8 của CFN Việt Nam với tổng vốn đầu tư 28 triệu đô la Mỹ và công suất 240.000 tấn/năm. Trải qua 21 tháng thi công với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đội ngũ của chúng ta tự hào chúc mừng thành tích đạt 1.206.000 giờ làm việc không xảy ra tai nạn báo cáo nào. Tuy vậy, chúng ta vẫn tiếp tục hành động để cải thiện mức độ an toàn, đồng thời theo đuổi các mục tiêu an toàn, vừa để củng cố văn hóa an toàn vừa đảm bảo an toàn cho mỗi ngày. Chúng ta hãy tiếp tục nỗ lực và cải tiến các phương thức làm việc an toàn. Và hãy nhớ:

1. Chúng ta đặt an toàn lên trên lợi nhuận.

2. Chúng ta tin tưởng rằng mọi việc đều có thể và phải được thực hiện một cách an toàn.

3. Chúng ta mỗi người đều có trách nhiệm ngăn chặn các công việc không an toàn.

*****

3 nhà thầu chính tham gia vào dự án, có đóng góp rất lớn về mặt thực hiện an toàn tại nhà máy Bình Dương. Chúng ta gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà thầu đã không ngừng cam kết và tận tâm trong dự án này.

Tính đến ngày 3/10/2018

– Nhà thầu xây dựng: công ty Tân Việt Tín với 850.658 giờ

– Nhà thầu cơ khí: công ty DAESUNG với 290.567 giờ

– Nhà thầu điện: HANIL với 36.124 giờ

– Các nhà thầu khác: 83.198 giờ